Vĩnh Thịnh là xã ven biển của huyện Hòa Bình, được thành lập vào năm 1979, cách trung tâm huyện hơn 10 km về hướng Tây – Nam, có bờ biển dài hơn 9 km. Vĩnh Thịnh có thế mạnh là nuôi trồng đánh bắt Thuỷ hải sản và làm muối, với hệ thống giao thông thuỷ, bộ khá hoàn chỉnh, có cửa Cái cùng thông ra biển, là những đầu mối quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm Tây – Nam của huyện Hòa Bình. Xã có diện tích tự nhiên trên 6.000 ha, đất sản xuất trên 5.500 ha, với 3.086 hộ, 13.116 nhân khẩu gồm dân tộc Kinh, Khmer, … Tổng số có 7 ấp: ấp Vĩnh Lạc, Vĩnh Lập, Vĩnh Tiến, Vĩnh Bình, Vĩnh Hoà, Vĩnh Kiểu và Vĩnh Mới.
Điều kiện tự nhiên của Vĩnh Thịnh rất phong phú, đa dạng có nhiều nét độc đáo mang sắc thái của vùng duyên hải miền Tây. Nơi đây có rừng phòng hộ với những cây đước, cây mắm, Cây cóc quanh năm phủ màu xanh đầy sức sống với nhiều loài Thuỷ hải sản quý hiếm, khí hậu ôn hòa rất thích nghi cho sự phát triển của các loài động vật nhiệt đới.
Phía Nam giáp biển Đông, cửa biển Cái Cùng tiếp giáp huyện Đông Hải cùng tỉnh, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh chống giặc; nhân dân có lòng yêu nước nồng nàn, dũng cảm, kiên cường với những địa danh như Hoành Tấu – Cái Cùng đã một thời làm kẻ thù khiếp sợ.
Vào những ngày đầu xuân, hàng năm nơi đây tổ chức Lễ hội nghinh Ông, đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, là lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân miền biển Cái Cùng; thể hiện tâm linh, tưởng nhớ công ơn Cá Ông – Vị thần tướng quân Nam Hải đã nhiều lần cứu ngư dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn với mong muốn đánh được nhiều tôm cá, đem lại điềm lành và hạnh phúc cho mọi người (Lễ hội trang trọng tổ chức vào các ngày 8,9,10 tháng Giêng).
Bên cạnh “Lăng Ông Duyên Hải” hướng ra biển nhân dân còn xây dựng ngôi Chùa bà, với bức tượng bà hoành tráng hướng ra biển Đông, với gương mặt hiền từ, phúc hậu cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhân dân làm ăn phát đạt. Hai công trình trên nằm trong vùng quy hoạch khu du lịch sinh thái của huyện.
Với những lợi thế trên, Vĩnh Thịnh dễ hoà hợp với bạn bè bốn phương, những người dân từ nhiều miền đến đây sinh sống tại vùng đất cửa biển này đã hình thành nên tính cách kiên nghị, năng động, sáng tạo trong lao động luôn nhạy bén với cái mới sẽ góp phần đưa Vĩnh Thịnh lên Thị trấn vào năm 2015 theo kế hoạch của huyện và trở thành một địa danh du lịch nỗi tiếng của huyện Hòa Bình trong tương lai.